Friday, August 21, 2009

An Lộc: Địa Ngục Trần Gian Của Quân Dân Miền Nam Trong Năm 1972

Hồ Đinh TĐ1/TrĐ43/SĐ18BB Kbc 4424

Riêng tặng các bạn hiện ở Hoa Kỳ, từng tham chiến trận An Lộc như Đại Uý Cao Khắc Tiệp (Thiết giáp SĐ9BB), Đại Uý Đổ Minh Hứng (Liên Đoàn 5BDQ), Trung Uý Lê Ngọc Thạch (PB/SĐ9BB)và Thượng sĩ Nguyễn Huệ (Thiết Ky/SD21BB).

Bước sang những năm đầu của thế kỷ XX, lợi dụng sự ổn định tạm thời của Đông Dương, thực dân Pháp xúc tiến việc khai khẩn đất hoang tại Cao Mên và vùng Đong Nam Phần, để trồng cao su. Hai đại lý hành chánh được gấp rút thành lập tại Hớn Quản (1908) và Bà Rá (1920), nhằm mục đích đôn đốc và chỉ huy các công tác khai rừng và mở mang đường xá. Hai quốc lộ 13, 14 cũng như con đường xe lửa Sài Gòn-Lộc Ninh được hoàn thành, để vận chuyển cao su, của công ty Mimot, tại các đồn điền Krek, Chup, Prek, Kak, Chamcar An Đông..ở Kompong Cham, Snoul, Peanch Chang (Cao Mên), Phước Long, Bình Long, Bình Dương và Biên Hòa.. về Sài Gòn, để xuất cảng.

Cũng từ đó, máu người Việt và đồng bào thiểu số Stieng, Biệt, Mnong.. đổ hằng ngày trên vùng đất đỏ. Họ là phu đồn điền từ các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung Phần, vì nghèo túng, mất mùa nên đành lìa bỏ quê cha đất tổ, lũy tre làng và mồ mã ông bà, để vào vùng ma thiêng nước độc, bán mình làm thân nô lệ suốt đời cho các công ty khai thác cao su của thực dân Pháp (Société Des Plantations Des Terres Rouges). Bên cạnh đó, còn có các phu làm đường 13,14, đường xe hỏa. Nhưng dù là ai chăng nữa, Việt hay Thượng, tất cả cùng chung một số phận, chịu sự hành hạ dã mang của bọn cặp rằng Pháp và dân bản xứ. Ngày ngày tháng tháng, những nấm mồ hoang vô chủ, bất hạnh, cứ nối tiếp nhau, mọc theo chiều dài của con đường từ Bến Cát, Lai Khê, Chơn Thành... cho tới tận An Lộc, Lộc Ninh. Đời đã buồn rầu tận tuyệt, nên cảnh vật ở đây lúc nào cũng thấy cô đơn lạnh lẽo, nhất là màu đất đỏ, đã khiến đường 13 trở thành con đường máu hay tử lộ, ngay từ thời Pháp thuộc. Trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai (1955-1975), do cọng sản quốc tế Hà Nội chủ xướng, con đường trên lại càng thêm ghê rợn, với những tại họa trùng hằng. Ở đâu, lúc nào mọi người cũng đều có thể bỏ mạng, vì các tai ương rất bất ngờ, do mìn bẩy, bom đạn, sự hành quyết và khủng bố của bộ đội Bắc Việt, nhằm vào mọi đối tượng thù nghịch, bất kể là dân-lính, Thượng hay Việt.

Nhưng đó cũng chỉ là chuyện nhỏ khi so sánh với mạng người lá rụng, mà Việt Cộng đã tàn sát dã man thường dân vô tội, khi tìm đường lánh nạn chiến tranh, từ Lộc Ninh về An Lộc và sau đó lại bỏ chốn địa ngục trần gian, chạy về Xa Cam, Xa Cát, Xa Trạch, Tân Khai, Tàu Ô, Chơn Thành, Lai Khê. Sự tàn ác hung tợn có một không hai của bộ đội Bắc Việt, đã khiến cho nhũng kẻ luôn toặc mồm tự xưng là quân giải phóng, đời đời kiếp bị bia miệng, chữ nghĩa trong dòng sử Việt, cũng như dư luận thế giới văn minh, nguyền rủa khinh miệt, vì hành động mất nhân tính không xứng đáng làm người.

Ngoài ra, sự đứng vững của thị xã nhỏ bé An lộc, dù chỉ còn là đống gạch vụn, sau 68 ngày bị 4 sư đoàn chính qui cọng sản vây hãm, tấn công biển người, chiến xa, đại pháo, hỏa tiển có lúc lên tới 8000 trái/1 ngày. Sự kiện trên, đã khiến địa danh An Lộc xếp hàng đầu trong những trang quân sử thế giới như Stalingrad, Guernica, Arden, Berlin, Tobrak và cả Điện Biên Phủ, về mức độ giao tranh ác liệt, sư tàn phá bởi bom đạn nhưng tận tuyết nhất vẫn là thảm họa chiến tranh, đối với ngàn vạn thường dân bị kẹt trong thành phố, không di tản được. Sau này, những nạn nhân may mắn còn sống sót khi tàn cơn binh lửa, ai nấy đều cả quyết rằng, sở dĩ họ thoát chết, đều do Trời Phật thiêng liêng che chở, bảo hộ, nên đã không bị chết tập thể oan khiên, mà đao phủ thủ, chính là bộ đội miền Bắc vì bị tuyên truyền đầu độc từ lúc mới tập ăn, tập nói, nên coi ai cũng là ngụy, là kẻ thù. Chiến tranh bắt buộc phải hủy diệt đối phương, để đạt chiến thắng nhưng sự kiện quân Bắc Việt, tập trung hỏa lực, pháo vào các khu vực thường dân như nhà thờ, trường học nhất là bệnh viện, lúc đó có hơn 10.000 đồng bào tìm tới lánh nạn. Tàn nhẫn dã man hơn, là bắt trẻ con, đàn bà và những người lớn tuổi, bị kẹt tại các đồn điền cao su, đem trói họ vào các địa điểm đặt pháo hay xua họ đi trước làm bia đỡ đạn và khai quang các bãi mìn của QLVNCH. Riêng đàn ông, bất kể là thanh niên trai tráng, trẻ con và người già, đều bị xung làm lao công chiến trường, đào hầm, tải đạn... dưới các trận mưa pháo của cả hai phía. Tất cả nói lên sự thật về bộ mặt hung tàn ác độc của cọng sản VN, cho nên đâu có ai thấy lạ, khi biết rằng trong suốt 20 năm chiến tranh, Việt Cộng đi tới đâu, đồng bào miền Nam, lũ lượt bỏ nhà cửa, tài sản, chạy lấy mạng. Thảm trạng đến bây giờ vẫn không có gì thay đổi, nếu người Việt cả nước, kể luôn những cây cột đèn, được phép xuất ngoại, chắc chắn ai nấy đều hồ hởi dông hết ra nước ngoài.

1-Tỉnh Bình Long Và Thị Xã An Lộc :

Bình Long xưa là Hớn Quản, giang sơn của những đàn nai gặm cỏ tranh, đất đai của đồng bào thuộc bô lạc Stiêng, một sắc dân thiểu số có trình độ và tập quán, gần giống người Kinh. Tỉnh Bình Long được các vị Chúa Nguyễn Nam Hà, khai thác từ cuối thế kỷ 17. Từ năm 1832, thời vua Minh Mạng Nhà Nguyễn, đất Hớn Quản thuộc tỉnh Biên Hòa. Năm 1956, tổng thống Ngô Đình Diệm, cắt một phần phía bắc tỉnh Biên Hòa, sáp nhập vào với Hớn Quản, để thành lập tỉnh Bình Long, thuộc Vùng III chiến thuật.

`Tỉnh giáp Phước Long, Tây Ninh, Bình Dương và Kampuchia. Vào năm 1972, Bình Long có diện tích 2240 km2 với dân số chừng 88.000 người, chia thành 3 quận: Lộc Ninh, An Lộc và Chơn Thành. Điạ thế tỉnh này bị cô lập, vì nằm giữa hai chiến khu C-D của VC, lại còn tiếp giáp với Kampuchia, có khu hậu cần Mỏ Vẹt của Bắc Việt. Bình Long nằm giữa hai con sông Sài Gòn và Bé, có hằng trăm suối con, sông nhánh chằng chịt như Prektéhléa, Tonlétron, Tonléchan... Điạ thế trùng trùng điệp điệp rừng cao su, tre mây và cỏ tranh mọc cao hơn đầu người, tạo thành những con đường chuyển quân chiến lựợc, rất lý tưởng cho Bắc Việt, mà không sợ bị phi cơ thám thính khám phá, ngoại trừ các toán Lực Lượng Đặc Biệt., hoạt động bí mật suốt vùng biên giới Miên-Việt. Thị xã An Lộc nằm trong phạm vi xã Tân Lập Phú, rộng chừng 740 km2. Bao bọc quanh thành phố là những ngọn đồi chiến lược, mang tên đồi 169, đồi Gió và đồi Đồng Long. Năm 1972, dân số trong thị xã chừng 44.000 người. Quốc lộ 13 từ cầu Bình Lợi, chạy suốt tỉnh Bình Dương, ngang thị xã An Lộc, tới thị trấn Lộc Ninh và biên giới Miên ở Sóc Pénang. Từ đây còn đường phân làm hai ngã, một là đường 13 tiếp tục vượt biên giới, chạy tới Kampong Cham và tỉnh Kratié. Nhánh thứ hai mang tên quốc lộ 14, chạy song song với biên giới Miên Việt, đi Bố Đức, Bù Gia Mập (Phước Long), Đức Lập (Quảng Đức)... Tại Chơn Thành, đường 13 cũng phân nhánh, thành LTL13 và QL14B, chạy qua các quận Đôn Luân, Đức Phong(Phước Long), tới Kiến Đức, tỉnh lỵ Gia Nghĩa (Quảng Đức)..

Do các yếu tố địa lý đặc biệt trên, nên trong suốt cuộc chiến, Hà Nội luôn có ý định chiếm cho bằng được tỉnh này, để đặt thủ đô, cho cái mật trận ma, qua danh xưng trên giấy tờ báo chí ‘ Mặt trận giải phóng miền Nam ‘.. Nhưng cuối cùng đã không đạt được mục đích, dù mùa hè năm 1972, đã xua hơn 4 sư đoàn chính qui, để tấn công cưỡng chiếm tỉnh này. Bình Long chỉ bị bỏ ngõ, vì tuân theo lệnh buông súng đầu hàng giặc của tổng thống Dương Văn Minh. Nhưng vào giây phút cuối cùng (30-4-1975), Vị tư lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh, trấn đóng tỉnh Bình Long, là Chuẩn Tướng Lê Nguyên Vỹ đã tự sát giữa sân cờ Bộ Tư Lệnh ở Lai Khê. Cái chết liệt oanh của Ông đầy ý nghĩa, đã giữ được danh dự cho quân dân Miền Nam, đồng thời bảo toàn được khí tiết anh hùng, của người lính VNCH, luôn bất khuất trước mọi kẻ thù xâm lăng cướp nước. Bình Long-An Lộc, đã đi vào quân sử VN và thế giới, từ năm 1972. Chính nơi này nói riêng, Kontum, Quảng Trị, Bình Định nói chung, đã làm cho Đại tướng Tổng Tư Lệnh quân đội nhân dân miền Bắc, là Võ Nguyên Giáp, đã đánh mất cái hào quang chiến thắng Điện Biên Phủ năm nào. Trong trận này, Giáp đã nướng trọn 10.000 vạn bộ đội miền Bắc, cùng với số quân viện xe tăng, đại pháo mới toanh và tối tân, của Nga Tàu chi viện năm 1971. Cũng từ đó, Giáp bị Lê Duẫn và Chính Trị Bộ hạ bệ, bắt ngồi chơi xơi nước với hàm ‘Phó thủ tướng’ cai đẻ và ngừa thai, cho tới hôm nay vẫn không được phục hồi quyền lực, dù sắp về chầu tổ Mao-Mac-Lê-Hồ.

2-Nguyên Nhân Hà Nội Gây Cuộc Chiến Mùa Hè 1972 :

Suốt cuộc chiến Đông Dương lần thứ 2 (1955-1975), rõ ràng Bắc Việt luôn luôn thất bại trên chiến trường, từ nới này tới nơi khác. Thế nhưng trên bàn giấy, báo chí, hậu phương VC lại đạt thắng lợi nhờ giỏi tuyên truyền và trên hết là được phe ta tuyên truyền giúp. Nhờ vậy, năm 1954 trận Điện Biên Phủ đã làm sụp đổ chính phủ của thủ tướng Pháp Joseph Laniel. Cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân 1968, qua hình ảnh một vài tên đặc công VC đột nhập được vào Tòa Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn, do bọn phóng viên đưa lên truyền hình, đã làm xáo động niềm tin của dân chúng Hoa Kỳ, dù mặt thật trong trận này, Bắc Việt gần như nướng sạch cán binh bộ đội tham chiến.

Việc báo chí xưa nay đã loan tải rằng tổng thống Johnson, do ảnh hưởng trận Mậu Thân, nên không muốn tái tranh cử kỳ 2. Tất cả đều là những bí ẩn của lịch sử, cho dù nay có được giải mã, cũng chỉ là những điều bên lề, còn sự thật biết đâu mà mò. Năm 1972 nước Mỹ lại sắp sửa đi bầu tổng thống. Lần trước vì sinh tồn, VNCH đã chống lại đảng Dân Chủ, đang có ý đinh hòa hợp bán đứng Miền Nam cho Bắc Việt. Do trên Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã không tới Paris tham dự hội nghị, do Hoa Kỳ dàn dựng. Nhiều người nói, vì cớ đó mà Nixon được thắng cử. Năm 1972 tình hình nưóc Mỹ đang phân hóa trầm trọng, vì các cuộc biểu tình phản chiến, đòi Mỹ phải rút hết quân đội về nước. Cọng sản Hà Nội lúc đó, tuy vẫn còn chết điếng về những thất bại liên tiếp, từ Mậu Thân 1968, các chiến dịch hành quân Việt Mỹ năm 1970 tại Kampuchia và mới nhất là trận đại chiến Hạ Lào 1971. Nhưng đã liều mạng mở một trận đánh lớn, mục đích đổ thêm lửa vào các đám cháy khắp nước Mỹ, quậy thêm phong trào phản chiến lúc đó, đã lên tới tuyệt đỉnh, qua vụ sinh viên biểu tình tại đại học Kent, bị vệ binh quốc gia bắn chết nhiều người. Đánh lớn không cần biết ăn thua, miển là chứng tỏ với công luận Mỹ, qua báo chí truyền thông Hoa Kỳ và Tây Phương, vốn thâm thù và ganh ghét VNCH, nên sẳn sàng bóp méo sự thật, xuyên tạc cho rằng kế hoạch VN hoá chiến tranh của Hoa Kỳ, khi rút quân về nước, đã thất bại. Làm như vậy, khiến cho Nixon của đảng cọng hòa thất cử, giúp đảng dân chủ lúc đó thuộc thành phần thiên tả, đắc cử nắm quyền, sẽ giúp cho VC cưỡng chiếm mau lẹ và dễ dàng VNCH.

Ngoài ra, sự kiện TT Nixon tuyên bố với Thủ tướng Trung Cộng Chu Ân Lai tại Bắc Kinh, trong chuyến thắm viếng Tàu vào tháng 2­1972, cho thấy Hoa Kỳ đã công khai bỏ chạy. Đây cũng là một lý do vàng ròng, để Bắc Bộ Phủ tin tưởng là nếu không có Hoa Kỳ tham chiến, QLVNCH sẽ xuống dốc bỏ chạy, vì thiếu quân trang dụng cũng như vũ khí đạn dược, nhất là sự yểm trợ hùng hậu của không quân Mỹ. Một lý do nữa, vào cuối năm 1971, Lê Duẫn sang Liên Xô, còn Phạm Văn Đồng tới Tàu cầu viên mua chịu, đã được hai đàn anh cung cấp rất nhiều vũ khí tối tân như chiến xa T54,55, PT76, đại bác phòng không 23 và 57 ly, cùng với nhiều hỏa tiễn tầm nhiệt hạ máy bay SA7. Tất cả các yếu tố trên, cộng với sự tin tưởng mà báo chí thiên tả cùng trí thức đối lập tại Sài Gòn cung cấp, nên Hà Nội tin tưởng là lần này, khi quân Bắc vào, người miền Nam tại các thành phố lớn như Sài Gòn, Huế, Nha Trang... sẽ hồ hởi ra tận xa lộ đón quân về.
Chính vậy, nên Lê Duẫn tức tốc ban hành nghị quyết số 13, ra lệnh tổng tấn công VNCH. Quân số tham dự, gồm 13 công trường chính qui Bắc Việt (khoảng 136.400 người). Ngoài ra còn thêm các đơn vị đang hiện diện tại miền Nam từ trước. Cuộc chiến mùa hè năm 1972, được đánh giá là tàn khốc nhất trong quân sử VN và thế giới, được mở màn ngày 30-3-1972 tại Quảng Trị, ngày 5-4-1972 tại Lộc Ninh (Bình Long) và 6-4-1972 tại Tân Cảnh (Kon Tum). Ngoài ba mặt trận chính trên, Hà Nội còn mở thêm các mặt trận khác cũng rất khốc liệt tại nhiều chiến trường, mục đích làm phân tán mỏng lực lượng của QLVNCH, vốn không đủ để trải dài trên một lãnh thổ rộng lớn của Miền Nam. Song song với mặt trận quân sự khốc liệt, VC còn mở thêm một mặt trận chính trị, dùng báo chí của miền Nam để tấn công hậu phương và đâm sau lưng những người lính trận, đang đội bom đạn, lội trong mìn chông của quân Bắc, để giữ vửng Sài Gòn, Huế, Nha Trang, Cần Thơ và những sinh mạng của bọn ký sinh trùng lúc đó, nhìn biết có Thế Nguyên, Nguyễn văn Trung, Nguyễn Ngọc Lan, Lý Chánh Trung, Nhất Hạnh, Nguyễn Trọng Văn, Lữ Phương, Trịnh Công Sơn... qua các tờ Đối Diện, Trình Bày, Tin Văn, Hành Trình, Đất Nước. Tất cả đều viết lách theo mệnh lệnh của cán bộ trí vận cọng sản Nguyễn Văn Bổng và đơn đặt hàng từ Bắc Bộ Phủ. Thù trong giặc ngoài, khiến Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải ban hành lệnh ‘Tổ Quốc Lâm Nguy‘ vào ngày 9-5-1972 sau khi thành phố Quảng Trị bị tạm thời lọt vào tay cọng sản 8 ngày. Kế đó vào ngày 28-6-1972, Tổng thống lại ban hành tình trạng ‘Thiết Quân Luật ‘ và được Quốc Hội VNCH ủy quyền quyết định các việc cơ mật qốc gia. Đây là một thái độ chính đáng và thực tế, mà bất cứ một quốc gia nào, kể cả Hoa Kỳ cũng phải làm vậy. Thế nhưng qua sự xuí giục của Hà Nội và trên hết lợi dụng tự do báo chí, dân chủ của VNCH, các trí thức khoa bảng nằm vùng và thân cộng, lại quậy phá hậu phương trên các báo Tin Điện, Tia Sáng, Thần Chung, Đối Diện.. rằng chính phủ độc tài, lợi dụng tình thế bắt ép dân chúng đi lính đánh thuê cho Mỹ...

3-Đại Chiến Long Trời Lỡ Đất Vào Mùa Hè - 1972 :

Giữa lúc phong trào chống đối cuộc bầu cử tổng thống năm 1971, còn nóng bỏng qua sự quậy phá của báo chí thân cộng tại Sài Gòn, Huế, thì tín quân Bắc Việt ngang nhiên chà đạp công luận quốc tế, xé bỏ Hiệp định ngưng bắn năm 1954 đã ký tại Genève (Thụy Sĩ), ngang nhiên vượt vĩ tuyến 17 tấn công VNCH, làm cho cả nước lo sợ và bàng hoàng xúc động. Thật sự không phải cặp Nixon­Kissinger thương tiếc gì dân tộc VN, mà chỉ muốn đạt được ưu thế trên bàn hội nghị với Bắc Việt, trong một hoàn cảnh không thể làm gì được hơn, khi Hoa Kỳ đã quyết định bỏ rơi VNCH. Đó là lý do khiến Nixon ra lệnh cho các lực lượng Hải-Không Quân Hoa Kỳ, trở lại chiến trường Miền Nam, đồng thới mở chiến dịch Linebacker I-II, phong tỏa hải phận và oanh kích lãnh thổ Bắc Việt. Tất cả hành động của Nixon sau này được Tư Lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương lúc đó là Đô Đốc Sharp, qua tac phẩm ‘Strategy For Defeat Vietnam‘ rằng ‘Nixon sở dĩ làm vậy, chẳng qua muốn Bắc Việt trở lại bàn hội nghị Ba Lê mà thôi. Có thể Nixon mới hy vọng tái đắc cử. Mọi sự đều không có dính dáng gì tới số phận của người Miền Nam VM ‘. Đó là sự bi thảm thê thiết của các dân tộc nhược tiểu, muốn không chấp nhận cũng đâu có được, nhất là thân phận của người lính VNCH.

Trong trận đại chiến này, tổng tư lệnh miền bắc là đại tướng Võ Nguyên Giáp, trước khi ban lệnh xuất quân, đã tuyên bố ‘để đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào, dâng chiến thắng cho đảng, nếu cần phải hy sinh thêm vài ba triệu cán binh bộ đội miền Bắc, Giáp cũng hồ hởi ‘. Và để thực thi lời hứa, kỳ này VC xử dụng binh pháp của Liên Xô, đem hết bộ đội của miền Bắc và tất cả vũ khí tối tân vừa được viện trợ mua chịu vào Nam, chỉ để lại hai công trường trấn đóng tại Lào. Ban lệnh giết hết các đối tượng (dân lẫn lính) trên đường tiến quân, một hành động tàn ác dã man đâu có thua gì quân Hung Nô, Mông Cổ, Phát xít Đức và Quân phiệt Nhật. Đây là minh chứng rõ ràng nhất, để chúng ta những người may mắn sống còn sau cuộc chiến, giải đáp và định nghĩa đúng mức hai chữ giải phóng của VC.

Theo kế hoạch hành quân của Giáp, hai sư đoàn 304, 308 + 4 trung đòan biệt lập mang số 126 (đặc công), 31, 246, 270 thuộc B5 +400 chiến xa của trung đoàn 203,204 + ba trung đoan pháo nặng 38,38,84... tổng cộng hơn 40.000 người, đồng loạt vượt biên giới tấn công Quảng Trị. Ở phía nam, cùng thời gian trên sư đòan 324-B + hai trung đoàn biệt lập 5, 6 trong vùng thung lũng A-Shau, tấn công Huế và Đà nẳng. Về phía VNCH, quân Mỹ coi như đã rút về nước gần hết, chỉ còn duy nhất lữ đoàn 196 bộ binh, bảo vệ hai phi trường Phú Bài và Đà Nẵng. Tóm lại việc bảo vệ lãnh thổ tại Quân Đoàn I và Vùng I chiến thuật, hoàn toàn do QLVNCH đảm trách. Tại tỉnh Quảng Trị, khi quân Bắc Việt vượt tuyến tấn công, ở đây có Sư đoàn 3 bộ binh và 2 Lữ Đoàn Thủy quân lục chiến 147 + 258 tăng phái. Theo sử liệu cùng với tất cả các nhân chứng từng tham dự cuộc chiến, hiện vẫn còn, đã quả quyết rằng việc Sư Đoàn 3 bộ binh rối loạn quá sớm, không phải vì binh sĩ của đơn vị này sợ chết mà rã ngủ. Nguyên do chính vì sư đoàn này mới được thành lập vào cuối năm 1971 sau chiến địch Lam Sơn 719. Các đơn vị cơ hữu, chỉ có Trung Đoàn 2 bộ binh (của SD1BB) là thiện chiến, còn hai Trung Đoàn 56 +57 tân lập, với quân số phần lớn là Địa Phương Quân của Vùng 1 CT, binh sĩ quân dịch và lao công đào binh. Sau này khi được tái trang bị, Sư đoàn 3 bộ binh dưới quyền của Chuẩn tướng Nguyễn Duy Hinh, đã đạt được nhiều chiến công hiển hách tại Quảng-Đà, cho tới khi mất nước. Tại mặt trận Cao nguyên, Giáp tung vào công trường 2 và 320 + một trung đoàn chiến xa, để tấn công Kontum, đồng thời cho Sư đoàn 711 quấy rối Quảng Nam, Quảng Ngãi cùng Sư đoàn 3 Sao vàng, tấn công cắt đứt quốc lộ 19 và các quận miền bắc tỉnh Bình Định. Cuối cùng là mặt trận biên giới, Giáp tung vào bốn sư đoàn 5,7,9 và công trường Bình Long +200 chiến xa với quân số hơn 40.000 quân. Tất cả xuất phát từ mật khu Lưỡi Câu (Mimot, Snoul), vượt biên giới Miên, đồng loạt tấn công vào quận Lộc Ninh sáng ngày 5-4-1972 và thị xã An Lộc ngày 6-4-1972. Đồng thời Sư đoàn 1VC cũng gây rối nhiều quận lỵ, dọc theo biên giới Miên-Việt tại Vùng IV chiến thuật. **An Lộc, Địa Ngục Trần Gian Của Dân-Lính Trong 68 Ngay Bị Vây Hãm. Cựu tổng thống Nixon, năm 1983 đã viết trong hồi ký ‘Dù tất cả không lực trên thế giới, kể cả các cuộc oanh tạc Hà Nội, Hải Phòng... nhưng sẽ không bao giờ cứu nổi Nam Việt Nam, nếu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, không thể giữ được Quảng Trị, Kom Tum và An Lộc‘.Tướng hồi hưu Pháp là Vanuxem, từng chiến đấu nhiều năm tại VN, cũng đã viết những lơi ca tụng quân đội Miền Nam rất nồng nàn, trong tác phẩm của mình ‘Cuộc thử lửa đến rất mau, sau khi quân Mỹ rút hết về nước. Đây là thành tích quân sự lẫy lừng nhất của QLVNCH‘. Tuy nhiên muốn biết chính xác mức độ ác liệt của một trận chiến, kinh hồn bạt vía, long trời lở đất gấp nhiều làn, nếu đem so với Điện Biên Phủ và Tết Mậu Thân, có lẽ chỉ có nhà văn quân đội, đồng thời cũng là một ký giả chiến trường, Đại Uý Nhảy Dù Phan Nhật Nam, viết trong tác phẩm Mùa hè đỏ lửa ‘An Lộc rộng chưa tới 4 cây số vuông nhưng ngày ngày lãnh đạn pháo kích đủ loại, có lúc lên tới 8000 trái một ngày (12-5). Dân và lính thụ động co rút trong hỏa ngục, để trốn pháo từ trên trời ập xuống. Pháo và trời chan hòa trộn lẫn như mưa bay, che lấp không gian hơn hai tháng, liên tiếp từng cơn, từng giờ, từng loạt. Pháo đầy trời như mưa, ào ạt như gió, kín mít như mây. Pháo gây sự chết cho bất cứ ai, không kể dân và lính, cùng muôn vật, muôn loài, trong thành phố An Lộc’.

Từ sáng sớm 5-4-1972, ba trung đoàn 174,275 + một trung đoàn biệt lập+ một trung đoàn chiến xa và trung đoàn E-6 thuộc công trường 5 VC, vượt biên giới, tấn công quận lỵ Lộc Ninh. QLVNCH tại đó, gồm Chiến Đoàn 9 (Trung Đoàn 9/SD5BB + Biệt Động Quân Biên Phòng + Thiết Đoàn 1 Kỵ Binh) và các đơn vị DPQ +NQ ngăn chận. Trận chiến vô cùng ác liệt, kéo dài tới 3 giờ chiều cùng ngày, thì đồng loạt Ba công trường 7,9 và Bình Long, cùng lúc từ nhiều phía tấn công vào thị xã An Lộc. Lúc đó, trong thành phố chỉ có Trung Đoàn 8 của Sư Đoàn 5 BB trấn giữ. Công trường 9 đánh mặt tây, công trường Bình Long tấn công hướng đông-bắc, còn công trường 7 thì đóng chốt giữ chặt quốc lộ 13, con đường duy nhất từ Sài Gòn, Bình Dương, Lai Khê tới An Lộc và Lộc Ninh., ngăn chận quân tiếp viện. Tại Lộc Ninh sau ba ngày giao tranh đẵm máu, hai chiến đoàn 9 (SD5BB) và chiến đoàn 52 (SD18BB) được lệnh rút về tử thủ An Lộc, nên bị Công trường 5 VC đuổi theo sau, tấn công vào phía bắc thị xã. Tình thế lúc đó thật nguy ngập, nên Quân Đoàn III đã cấp tốc tăng cường cho Mặt trận An Lộc : Liên Đoàn 3 BDQ (TD31,36,52), Liên Đoàn 81 Biết Cách Dù và Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù ((Các TD5,6,8 + TD3Pháo Binh) nhày vào An Lộc. Đồng lúc, Sư Đoàn 21 BB lừng danh đang trấn giữ tại mật khu sình lầy thuộc Vùng IV chiến thuật +Trung Đoàn 15 (SĐ9BB) và 1 Chi đoàn của Thiết Đoàn 2 Kỵ binh, cũng được tăng cường cho chiến trường. Bộ Tư Lệnh SD5BB của Tướng Lê Văn Hưng, ngay ngày đầu cuộc chiến khi CS tấn công Lộc Ninh, cũng đã từ Lai Khê vào An Lộc. Riêng Bộ Tư Lệnh tiền phương của Trung tướng Minh, từ Biên Hòa cũng được di chuyển lên Lai Khê, chỉ huy trực tiếp hai cánh quân trong thành phố và giải tỏa QL13 từ Lai Khê, tới Chơn Thành và An Lộc.

Cuộc chiến đẳm máu, ác liệt từng phút từng giờ, trong suốt hai tháng. An Lộc bi co cụm lại vì tăng, pháo và bộ binh của giặc tấn công. Dân chúng hầu hết bị kẹt lại, không thể di tản được vỉ đường bộ đã bị bít kín. Tất cả mọi người, dân cũng như lính bị thương, đều không được cứu chữa vì không thể nào tải thương được. Trong lúc đó, cọng sản Bắc Việt tấn công và pháo kích, luôn cả bệnh viện, nhà thờ... Ngay cả việc tiếp tế bằng máy bay cũng muôn ngàn khó khăn nguy hiểm, vì màn lưới phòng không của giặc, giăng kín bầu trời Bình Long, chẳng khác thiên la địa võng. Trong tình cảnh tận tuyệt đó, người dân cùng lính, chỉ còn biết nương tựa lẫn nhau, để mà sống trong hỏa ngục qua 68 ngày, hứng chịu 200.000 trái đạn pháo kích đủ loại, làm thương vong hơn 4000 nhân mạng, mà phần lớn là đồng bào vô tội.. Trong cuộc chiến tàn nhẫn, vô lý và vô tình này, có một sự thật không ai chối cãi được, đó là ‘ DÂN NUÔI LÍNH, LÍNH NUÔI DÂN’. Còn tướng Lê Văn Hưng thì diễn tả rất rõ ràng ‘Có lúc thì Lính đi chôn đồng bào, ngược lại đồng bào cũng phải đi chôn lính’. Tình quân dân trong cơn hoạn nạn đó, chỉ có ở những chiến trường, vùng xôi đậu và trong những giây phút thập tử nhất sinh mà thôi. Chỉ lúc đó, người dân mới thực sự thương yêu người lính trận, đã vì nước vì đời, mà hy sinh tính mạng cho mình. Ngay khi Biệt Động Quân cắm được Ngọn Cờ Vàng ba Sọc Đỏ trên đỉnh đồi Đồng Long, cùng lúc SD21BB và Trung Đoàn 9/SĐBB tạm thời giải tỏa được QL13 từ Chơn Thành tới An Lộc. Lập tức có lệnh bằng mọi cách phải đưa cho được 12.000 đồng bào bị kẹt, ra khỏi vùng chiến họa. Ngày tiển chân đồng bào, Tỉnh trưởng Bình Long lúc đó là Đại tá Trần văn Nhựt, đã khóc thật nhiều, vì ông biết chắc con đường gian nan trước mặt của đoàn người lánh nạn, khi phải vượt qua nhiều nút chặn của bộ đội Bắc Việt, tại Tân Khai, Tàu Ô, làm cho hơn 2000 người lại ngã gục, trước khi tới được quận Chơn Thành.

Ngày 4-6-1972, đánh dâu một thời điểm cực kỳ quan trong của Mặt trận này, khi Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù, đơn vị bị tan hàng tại Đồi Gió vào tháng trước, đã bắt tay được với Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù trong An Lộc., đánh dấu Quốc lộ đã được giải tỏa. Cũng từ lúc đó, quân trang dụng được tiếp tế, thương binh được tải thương, thường dân được di tản. Ngày 12-6, tướng Lê Văn Hưng tuyên bố ‘An Lộc đã được giải tỏa hoàn toàn‘. Ngày 7-7-1972, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh QĐIII vào thị xã An Lộc.

Có một điều ít ai ngờ được, là trong trận chiến tại An Lộc, Quân Lực VNCH từ Nhảy Dù, Biệt Cách cho tới Bộ Binh, không một đơn vị nào có chiến và pháo binh, vì toàn bộ 30 chiếc M113 +M41 của Thiết Đoàn 1 Kỵ binh và các khẩu đội 105 của Tiểu Đoàn 52 Pháo Binh, cũng bị phá hủy, chỉ còn một khẩu duy nhất được xữ dụng. Sau đó 6 khẩu 105 của Tiểu đoàn 3 Pháo binh Dù, cũng bị phá hủy tại Đồi Gió. Tóm lại khắp các mặt trận, lính không có súng chống xe tăng của quân Bắc Việt, nên đã tự động dùng súng M72, XM-202 kể cả các loại súng phóng lựu B40,41 tịchh thu được của VC. Tất cả được người lính nghèo VNCH biến cải thành súng chống chiến xa, nhờ đó quân ta đã bắn cháy rất nhiều xe tăng của giặc.

Ngoài ra dưới trận mưa pháo kinh thiên động địa, có một không hai nơi trần thế, gần như đã tàn phá tất cả mọi vật, mọi thứ, mọi mầm sống của đời tại đây. Nói chung từ cái lon nhỏ xíu ngoài đường, cho tới cây cối, cột đèn, nhà cửa đều bị trúng mảnh pháo. Riêng con người thì chết không toàn thây, bất kể là dân hay lính, nhiều người đã bị chết nhiều lần trong một đời người, vì mộ phần vừa mới đắp xong chưa khô đất, thì đạn pháo kích lại rót vào, làm tung toé xương thịt người đã chết. Rồi thì người sống lại nhặt nhạnh từng mảnh xương cốt để chôn thêm lần nữa, vì đâu có ai nở để cho người thân của mình phải chịu cảnh lạnh lẽo không mồ? Nhiều người chôn chưa xong kẻ chết, thì lại chính mình hứng chịu bom đạn và gục ngã với người thân.

**Sư Đoàn 18 Bộ Binh Vào An Lộc :

Tính tới cuối tháng 5-1972, coi như SD18BB dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Lê Minh Đảo, có Liên Đoàn 5 BDQ tăng phái, đã thanh toán xong các mặt trận dữ ở Chà Rầy-Trung Lập (Củ Chí) - Dầu Tiếng (Bình Dương) và Đất Đỏ (Phước Tuy). Do trên, sư đoàn được lệnh vào An Lộc,từ ngày 22-6-1972, để thay thế cho Sư đoàn 5 BB bị thiệt hại nhiều, cần dưỡng quân và bổ sung quân số, sau bao nhiêu ngày tử chiến trong địa ngục trần gian. Cùng lúc các đơn vị tăng phái như SD21BB và Trung Đoàn 15/SĐ9BB cũng được trả về QD4. Như vậy, từ ngày 12-7-1972, toàn bộ SD với 3 Trung Doàn BB cơ hữu là 43 của Trung Tá Lê Xuân Hiếu, 48 của Trung Tá Trần Bá Thành và 52 của Trung Tá Ngô Kỳ Dũng. Ngoài ra còn có Liên Đoàn 5 BDQ của Trung Tá Ngô Minh Hồng tăng phái., nhận lãnh trách nhiệm bao vùng toàn tỉnh Bình Long. Tuy tướng Lê Văn Hưng có tuyên bố là An Lộc đã được giải tỏa và ngay Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, cũng đặt chân vào chiến trường cón đang ngun ngút khói. Nhưng khắp nơi bom đạn vẫn mịt trời, vì vậy cuộc thay quân giữa hai sư đoàn 5 và 18, vẫn phải thực hiện bằng trực thăng vận. Ngày SD18BB vào An Lộc, con đường 13 huyết lộ, vẫn còn bị chốt kín nhiều nơi, mà nguy hiểm nhất vẫn là đoạn đường từ Chơn Thành tới Tàu Ô. Quanh thị xã, nhiền phần trên hai ngọn đồi chiên lược 169 và Đồi Gió, vẫn nằm trong tay quân Bắc Việt, nên ngày nào cũng bị pháo hằng trăm trái, làm thiệt mạng thêm nhiều người.
Để giải quyết tất cả những gai nhọn nhức nhối trên, Đại Tá Đảo quyết định để Trung Đoàn 52BB và LD5BDQ giữ An Lộc và tung Trung Đoàn 48/SD18BB của Trung Tá Trần Bá Thành, tái chiếm những phần còn lại, do cọng sản đang chiếm giữ, trên các ngọn đồi chiến lược quanh thị xã như Đồi Gió, 169 và E-2. Trung Đoàn 48BB ngay từ lúc còn biệt lập, dưới quyền chỉ huy tài ba, can trường của Trung Tá Trần Bá Thành, đã lập được rất nhiều chiến công hiển hách ở Phước Thành. Trung Tá Thành về sau thăng Đại tá, làm Tỉnh trưởng Bình Tuy và ông đã cùng với các Tiểu Đoàn DPQ tỉnh, tử thủ nhiều ngày tại LaGi, sau khi Phan Thiết mấy ngày 19-4-1975 và SD18BB ở Xuân Lộc được lệnh di tản chiến thuật về Phước Tuy. Ngày 27-7-1972, TD 1/48 và DD48 Trinh sát, đả làm chủ hoàn toàn Đồi 169 và Đồi Gió ngày 9-8-1972.

Riêng Trung Đoàn 43BB của Trung Tá Lê Xuân Hiếu, từ khi vào An Lộc, cũng chịu rất nhiều tổn thất vì đạn pháo kích và những cuộc giao tranh đẳm máu, trong lúc cùng với giặc dành nhau từng đoạn đường sống trên quốc lộ 13. Tại Ấp Xa Cam phía nam An Lộc, Tiểu Đoàn 2/43 bị một lực lượng đông đảo của công trường 7 VC, tân công vây hãm, Tiểu đoàn trưởng là Thiếu tá Nguyễn Văn Thoại bị tử thương, nên TDP là Đại Uý Nguyễn Hửu Chế thay thế và đưa được TD2/43 ra khỏi tử địa. Sau đó, TD2/43 và 3/43,cùng Liên Đoàn 5 BDQ, được giao phó trách nhiệm tái chiếm phi trường Quản Lợi. Đây là một chiến trường cam go nguy hiểm, không khác gì cổ thành Đinh Công Tráng ở Quảng Trị. Phi trường Quản Lợi trước đây là căn cứ đóng quân của SD1 Không Kỵ Hoa Kỳ, nên được xây cất rất kiên cố. Ngày 10-8, TrD43 và LD5BDQ giải tỏa xong hương lộ 303 và tiến sát vào đầu cổng phi trường. Vì căn cứ được xây cất quá quo mô vững chắc, nên VC đã cố thủ trong các căn củ của LLDB và chống trả thật mảnh liệt. Do đó các Trung Đoàn 43,52 và LD5BDQ phải thay nhau tấn công giặc, với tổn thất rất cao, trong nhiều ngày nhưng cũng chỉ chiếm được một phần phi trường. Cuối cùng BTL/SD18BB quyết định dùng Không quân chiến thuật, với bom phá công sự và hỏa tiển Tow. Cuộc hành quân chấm dứt ngày 4-9-1972, tái chiếm lại được Quản Lợi, sau khi đã đánh đổi bằng nhiều sinh mạng, mà thiệt hại nhiều nhất là TD30BDQ và TD2/43/SD18BB. Sau ngày 8-9-1972, Trung Đoàn 43 lại tiếp tục hành quân nhổ các chốt còn lại, trên đoạn đường từ Quản Lợi về An Lộc. Ngày 23-9-1972 là giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến, khi Trung Đoàn 48/BB hành quân tảo thanh toàn bộ khu vực rộng lớn của đồn điền Quản Lợi, mở rộng vòng đai an ninh cho thị xã.

Nhiệm vụ hoàn thành, ngày 29-11-1972 các chiến sĩ của miền đông lại tiếp tục hành quân diệt đích khắp vùng chiến thuật, sau khi giao trách nhiệm trấn thủ An Lộc lại cho Liên Đoàn III Biệt Động Quân của Đại Tá Nguyễn Thành Chuân ( LD3, 5 và 6).

4-Hậu Quả Và Dư Luận Báo Chí về Cuộc Chiến Mùa Hè -1972 :

Theo J.Pimlott trong ‘Vietnam the Decisive Battles’, tính đến cuối tháng 9-1972, gần như hầu hết lãnh thổ của VNCH bị CS cưỡng chiếm, đều được tái chiếm và giải tỏa, hơn 100.000 cán binh bộ đội Bắc Việt bị thương vong trên khắp các mặt trận. Vê phía VNCH, binh lính và thường dân chết và bị thương hơn 50.000 người. Nhưng tướng K.Kinnard viết trong ‘The war managers’ thì cho rằng cọng sản bắc Việt, chết khỏang 70.000 người và 700 chiến xa bị phá hủy. Nhưng chuyện VC chết nhiều hay ít, vẫn không phải là điều quan trọng đối với người miền Nam tình nghĩa, suốt cuộc chiến, từ chính phủ, xuống tới người lính và đồng bào, chưa bao giờ coi bộ đội hay cán bộ là kẻ thù, mà chỉ luôn thương hại họ bị đảng kềm kẹp và xua đẩy vào một cuộc chiến bất nhân, chỉ có lợi cho các chóp bu và đảng cọng sản đệ tam quốc tế mà thôi. Theo thú nhận của các cán lớn sau ngày 30-4-1975, thì năm 1972 là một thất bại to lớn của đảng VC, đúng nghĩa trên cả hai phương diện chiến thuật, chiến lược, dành dân, chiếm đất, chia cắt VNCH thành hai và mục đích trên hết là chiếm An Lộc, để làm thủ đô cho cái gọi là Mặt Trận GPMN... Có vậy, Bắc Việt mới tới bàn hội nghị, đối mặt cùng Hoa Kỳ trong thế mạnh của kẻ chiến thắng.

**Sự Thất Bại Của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp :

Theo đánh giá hầu hết của các nhà quân sử thế giới, thì cái lỗi lầm to lớn nhưng cũng là căn bản của Võ Nguyên Giáp, khi thống lãnh đại quân Bắc Việt, tấn công VNCH trong trận mùa hè 1972, là đã ngây thơ tin dại vào cái đám trí thức khoa bảng phản chủ của Miền Nam, rằng là đồng bào Miền nam đã đồng thuận với bác-đảng, để lật đổ chính quyền Sài Gòn. Do đó, khi bộ đội miền Bắc tới, dân chúng sẽ hồ hởi đón chào và chạy theo. Ngoài ra Giáp đã quá sai lầm, khi dám đồng hóa người lính VNCH, y chang như bọn lính đánh thuê khố xanh, khố đỏ, Nùng, Mường, Thái, Chàm, Thượng và Khmer thời Pháp thuộc, khi thấy trong QLVNCH vẫn còn lảng vảng nhiều thành phần trên ở các cấp. Điều này cho thấy các chóp bu Bắc Bộ Phủ, đã không điều nghiên kỹ tình hình chính trị tại Miền Nam, mà chỉ dựa vào tin tình báo cáo láo của bọn nằm vùng phản chiến, kể cả tin tức từ đồng minh Hoa Kỳ.

Là dân Miền Nam, dù là ai có ghét thù chế độ nhưng vì lương tâm và mặt thật của lịch sử, đều phải công nhận một điều ‘Qua hai mươi năm của VNCH, tuy đất nước có rất nhiều bất công, một bọn quan quyền ỷ thế lạm quyền mua quan bán chức, tham nhũng buôn lậu, làm đủ mọi điều tồi tệ. QLVNCH cũng vậy, có nhiều lính tráng ỷ công gây thiệt hại cho đồng bào trong các vùng hành quân. Tuy nhiên đây cũng chỉ là thiểu số và sự kiện trên, đều có tại bất cứ quốc gia nào, kể cả Hoa Kỳ và Quân đội Mỹ, mà điển hình nhất là những phanh phui, trong cuộc chiến Iraq hiện nay’. Tóm lại thời đó, có thể khẳng định được một điều là Miền Nam tuy bị chiến tranh triền miên, nhưng chính phủ vẫn luôn luôn nới lỏng mọi thứ nhất là những quyền tự do căn bản như Tín Ngưỡng, Dân Chủ, Ngôn Luận và Bổn phận làm trai, qua chế độ thi hành quân dịch. Vì thế, người miền Nam có quyền lựa chọn, một là thi hành nghĩa vụ, hai trốn lính vào tù, chỉ thế thôi. Còn bộ đội miền Bắc vượt Trường Sơn, thật sự đâu có ai tự nguyện, mà chỉ sợ bị cúp hộ khẩu, tem phiếu và công an bắt bớ làm khổ gia đình. Như vậy đối với người Miền Nam, ngoại trừ một thiểu số ích kỷ nhỏ nhen muốn sống ký sinh vào sự bảo vệ của người khác, còn hầu hết đều ý thức rõ ràng ‘Đi Lính là để bảo vệ cho cá nhân và gia đình mình, sau đó mới đến quốc gia, dân tộc ‘. Hơn nữa kinh nghiệm của đồng bào, qua sự tàn ác dã man của VC tại Huế trong trận Tết Mậu Thân, đã làm cho ai nấy sợ hải. Như vậy còn ai dám ở lại, để đồng khởi với bộ đội miền Bắc? Đánh giá sai ba yếu tố căn bản trên, nên Giáp đã nhận định sai lầm về khả năng tự vệ của VNCH, nhất là trong đầu còn nghĩ thêm ‘Mỹ đã bỏ rơi miền Nam, nên sẽ không còn can thiệp‘. Trong khi đó thì Mỹ cũng đâu có thường gì VNCH nhưng không ngu ngồi im nhìn Hà Nội thắng trận, kéo theo sự thất cử của Nixon. Bởi vậy giờ chót để tự cứu mình, Hoa Kỳ mới cho Hải-Không quân trở lại chiến trường miền Nam và đồng loạt oanh tạc cũng như phong tỏa miền bắc.

Ngoài ra cái chiến lược rải quân mõng, tấn công không đồng loạt, coi đồng bào miền Nam như quân đội, thẳng tay tàn sát, sự yếu kém khi điều hợp binh pháp ‘ thiết giáp-bộ binh’ và trên hết bất nhân, bất nghĩa khi lường gạt cán binh miền Bắc, khi phao tin nhảm rằng Miền Nam đã được giải phóng... Nhưng độc ác nhất là cho bộ đội nhất là các đơn vị đặc công, uống thuốc kích thích hay xiêng chân cán binh vào càn súng cộng đồng và xe thiết giáp, để họ không bỏ chạy khi thua trận. Đó là tất cả lý do, khiến cho tướng Giáp thất bại. Tóm lại như nhận xét của D.Pike, một chuyên gia về VN, viết trong ‘Maxism, Communian and Western Society, A Comparative Encyclopedia Vietnam War‘ thì tướng Giáp đã sai lầm nặng nề khi đánh giá khả năng tác chiến của QLVNCH, sự phản pháo của Mỹ, tác dựng của phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ và sự giúp đỡ của đàn anh Nga-Hoa và các nước anh em XHCN. Bởi vậy khi trận chiến đã tàn, cũng là lúc chấm dứt luôn cuộc đời binh nghiệp của ông. Về số phận của Giáp tại Hà Nội, theo Thành Tín đã viết trong Mặt Thật ‘Lê Duẫn đã nói với Võ Nguyên Giáp: chỉ huy như vậy đó, chọn hướng tiến công không có ngay từ đầu. Còn Giáp trả lời Duẫn : nếu tôi có toàn quyền, thì đâu có thế.

**Dư Luận Báo Chí Ngoại Quốc :

Sau này khi mọi bí mật của cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai (1955-1975) được bật mí, thề giới mới hiểu rằng chiến thắng của cọng sản đệ tam tại VN, không phải là huyền thoại hay bất cứ một biến cố lịch sử tất yếu gì, cũng không phải là sự bách chiến bách thắng của chủ nghĩa Marx, mà là một canh bạc lừa bịp quốc tế bi thảm, của một nhóm người cầm đầu chính quyền Mỹ tại Tòa bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn. Đồng lõa là sự phụ họa của truyền thông Hoa Kỳ và báo chí Nam VN. Tất cả cùng chung một mục đích, làm sụp đổ tinh thần chiến đấu cùng sự chịu đựng tai họa chiến tranh của quân dân Miền Nam. Sự thật đã được Tổng Tư Lệnh Quân Mỹ và Đồng Minh chiến đấu tại VN, tướng Westmoreland viết ‘Tội nghiệp cho binh sĩ VNCH, họ đem xác trần để làm bia đỡ đạn. Ấy thế mà báo chí Mỹ, Tây Phương và cả Nam VN vẫn không vừa lòng, vẫn bóp méo rằng họ không chịu chiến đấu?’ Còn Henry Winston, chủ tịch đảng cọng sản Mỹ, trong ngày sang Hà Nội ăn mừng chiến thắng đã cưỡng chiếm được Miền Nam, đã tuyên bố ‘chiến thắng của VC cũng là vinh quang của đảng CS Mỹ ‘. Tuy nhiên không phải ai cũng mù quáng bất lương chạy theo danh vọng và đồng tiền, nên cũng còn rất nhiều nhà báo có lương tâm, như thông tín viên lão thành của hảng Reuter là Macolm Browne, trong đại hội lần thứ V của Hiệp Hội Báo chí Quốc Tế, tổ chức tại Luân Đôn vào cuối năm 1968, đã thẳng thắng tố cáo những kẻ bẻ cong ngòi bút, bóp méo sự thật, thông tin một chiều, xuyên tạc với ác ý có chủ trương, của các phóng viên ngoại quốc nhất là Mỹ, khi viết về cuộc chiến tại Nam VN. Ông cho biết, sở dĩ có tình trạng bê bối trên, là vì hầu hết các phóng viên, khi tới VN lấy tin tức (kể cả phóng viên bản địa), rất ít người chịu dấn thân, mà chỉ xin tài liệu từ tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn hay các tin tức một chiều tuyên truyền của VC, rồi dựa vào đó mà mao tôn cương lên báo, mà trăm lần như một đều loan tin rằng chỉ có lính Mỹ mới chiến đấu mà thôi. Kế tiếp là bệnh tranh dành nghề nghiệp, bệnh làm vừa lòng chủ nhân và độc giả.Tất cả gần như đã trở thành thói quen của nền thông tín báo chí Tây phương, kể cả những cơ quan truyền thông nổi tiếng như AP, UPI, AFP và các hãng truyền hình CBS, CNN, NBC, ABC..

Vào đầu tháng 4-1972, khi cọng sản Bắc Việt vượt tuyến tấn công Quảng Trị, sau đó là KonTum rồi An Lộc, thì đạo quân báo chí của Tây phương, đông đảo trên 300 phóng viên, ào ạt đổ bộ vào Nam VN. Chỉ có một số ít tới Đà Nẳng, Huế... còn hầu hết đều tập trung ở Sài Gòn, ngụ trong hai khách sạn quốc tế Caravelle và Continental. Để diễn tả cái đám phóng viên trên, mà phần lớn thuộc thành phần thân cộng, thiên tả hay phản chiến, Bourgine chủ bút tờ Valeur Actuelles viết là ‘ Những con kên kên, chuyên rình rập ăn xác chết con mồi Nam VN’. Rồi thời cơ đến, đó lúc cuộc chiến trở thành đẳm máu, trước biển người QLVNCH phải tạm bỏ Quảng Trị, còn KonTum và An Lộc thì bị vây hãm nguy ngập... Chính lúc này, thay vì đài BBC Luân Đôn phải lên tiếng tố cáo với công luận thế giới, về sự vi phạm trắng trợn Hiệp định ngưng bắn Genève năm 1954 trong đó Anh, Pháp, Nga, Tàu là đồng chủ tịch đã đặt bút ký. Nhưng đài này đã làm ngược lại, bằng cách loan tin thất thiệt, bóp méo sự thật, toàn là những chuyện trên trời dưới biển, đại để như sau Quảng Trị, Kontum tới An Lộc cũng sắp mất, kéo theo sự sụp đổ của Nam VN. Chính nguồn tin ác ôn bất lương này, làm rụng rời đồng bào, y chang những ngày tháng 4-1975, đài này cũng loan tin thất thiệt, giặc Cộng còn ở tận Đà Nẳng thì nói là tới Nha Trang, làm cho hậu phương rối loạn.
Nhưng rồi qua những ngày bị tấn công lén, bất ngờ QLVNCH lại bắt đầu phản công khắp các mặt trận. Tại An Lộc, dù bị tấn công biển người, mưa pháo nhưng thành phố vẫn đứng vững hết ngày này qua tháng khác, khiến một số lớn kên kên thất vọng vì trật đường rầy, nên bỏ cuộc về nước. Số còn lại, chắc bị lương tâm cắn rứt, phải trở bút để tường thuật sự thật về những trận đanh long trời lở đất đang xảy ra, không có lính Mỹ tham dự, dù rằng các tờ báo cũng như các phóng viên trên, đều không có chủ trương cảm tình với VNCH. Vì vậy nên mọi người mới thấy tờ Paris Match viết ‘Võ Nguyên Giáp đã hóc một cục xương to tướng, sau 68 ngày vây hãm và tấn công An Lộc. Đây là một trận đánh thảm bại nhất trong toàn bộ các trận đánh của mùa hè 1972, khi CSVN tấn công Miền Nam‘. Còn tờ Times thì ghi nhận sự chịu đựng tuyệt vời cũng như kỹ thuật đánh giặc của Binh sĩ Nam VN tại An Lộc. Riêng phóng viên báo Newsweek thì gọi ‘An Lộc là thành phố chết trong sự anh dũng‘. Nhưng có ý nghĩa nhất, vẫn là những lời viết chân thành nồng nàn trên tờ Telegraph ‘cọng sản Bắc Việt tấn công An Lộc bị thất bại vì hữu danh vô thực, thiếu chính nghĩa ‘.

**Hậu Quả Của Cuộc Chiến :

Đại chiến mùa hè 1972 chính thức chấm dứt vào ngày 16-9 khi đám tàn quân của Trung đoàn 48 VC, tháo chạy qua bờ bắc sông Thạch Hản, sau 82 ngày cố thủ trong cổ thành Đinh Công Tráng. Thành được xây dựng từ năm 1823 thời vua Minh Mạng Nhà Nguyễn, nay trở thành đóng gạch vụn vì sự tàn pha của bom đạn cả hai phía. Trong khi đó khắp hai miền đất nước, đồng bào Nam lẫn Bắc đều chịu chung cảnh tang tóc thê thiết của chiến tranh, chưa từng thấy trong dòng Việt sử. Tại miền Nam nước Việt, từ Quảng trị vào tới Cà Mâu, đâu đâu cũng vang tiếng khóc, vì gần như gia đình nào cũng có người thương vong trong trận chiến vừa qua, bất kể là dân hay lính. Hình ảnh đồng bào lặn lội khắp các nẻo đường từ đại lộ kinh hoàng Quảng Trị, Huế, Tân Cảnh, Kontum, Bình Định, Lộc Ninh, An Lộc, Lai Khê... để tìm xác và mộ phần của người thân, đã bị bộ đội miền Bắc trực xạ, pháo kích khi trốn chạy bom đan, thê thiết bi thảm, đâu có khác gì cảnh Mậu Thân tại Huế hay sau đó là những ngày tháng 4-1975 di tản lánh giặc trên Liên tỉnh lộ 7, Huế Đà Nẵng, Quảng Ngãi Chu Lai, Ban Mê Thuộc Nha Trang... Đây là những hình ảnh tàn nhất, chắc chắn sẽ không bao giờ tàn phai trong tâm trí mọi người, qua bao thế hệ. Các thành phố Quảng Trị, Kontum, An Lộc Lộc Ninh đẹp đẽ cổ kính, bổng chốc biến thành đống gạch vụn, làm uổng phí công trình xây dựng bao đời của tiền nhân và xướng máu của đồng bào.

Riêng tại miền Bắc, cọng sản đã tạo điều kiên cho Nixon có cớ ra lệnh tái oanh tạc từ tháng 5-1972 tại Hà Nội và Hải Phòng, đồng thời thả mìn phong tỏa các cửa sông, cửa biển chận đường tiếp tế vũ khí đạn dược của Nga-Tàu và các nước Đông Âu tới. Trong lần oanh tạc này, dân chúng miền Bắc đã hứng chịu rất nhiều tai ương về nhân mạng cũng như thiệt hại tài sản. Nhưng VC vẫn cứ tráo trở, khiến cho Nixon lại oanh tạc tiếp Miền Bắc từ 18/12 - 29/12/1972, buộc Hà Nội phải tới bàn hội nghị mới ngưng. Riêng hai đàn anh Nga-Tàu thì im lặng, không thấy lên tiếng bênh vực.
Tới nay, đại chiến mùa hè 1972 đã trôi vào quá khứ gần ba con giáp nhưng hình ảnh đau thương như vẫn còn nguyên nếp trong tâm trí mọi người, nhất là những nạn nhân và lính trận từng tham dự. Cuộc chiến VN mà thực chất chẳng có ý nghĩa gì, ngoài sự làm cho đồng bào cả nước càng lúc càng nghèo thêm trong ách cai trị thực dân của kẻ chiến thắng. Sự hy sinh vô nghĩa của lớp thanh niên thời đại, rốt cục chỉ làm đá lót đường cho một thiểu số của hai miền được giàu sang phú quí, trí thức khoa bảng, ngồi trên đầu mọi người. Còn tuyệt đại đồng bào VN, dù ở đâu muôn đời cũng vẫn đứng bên lề thời gian, để trố mắt thèm thuồng hay ao ước tự do, no ấm.

Nghịch cảnh bất công phi lý ngày nay, càng làm sôi sục thân phận của nhược tiểu VN, cộng thêm sự nhục nhã biển trời của đồng bào, khi cứ trố mắt đứng nhìn mà chẳng làm gì được, để ngăn cản tập đoàn thống tri cọng sản Hà Nội, ngưng ngay hành động bán nước cho Trung Cộng. Chợt thấy thương tiếc lạ lùng những ngày lao đao bầm dập của kiếp lính quèn nhưng lại là một phần đời vô cùng ý nghĩa :

‘di tản khó, sâu dòi lúc nhúc trong vết thương, người bạn nín rên người chết mấy ngày chưa lấy xác thây sình mặt nát, lạch mương tanh (thơ Tô Thuỳ Yên)

Hỡi ôi quê hương vẫn đói nghèo tang tóc, bao giờ mới hết hận thù?

Xóm Cồn Tháng 8-2005 HỒ ĐINH